Lý tưởng nhất khi mua một chiếc xe cũ là được chính hãng đảm bảo về chất lượng và chế độ bảo hành đi theo. Do đó, nếu có được thỏa thuận với chủ xe để đến một đại lí chính hãng kiểm tra bằng máy chuyên dụng thì đó cũng là một yếu tố làm mọi người yên tâm.
Khi mua xe cũ bạn cần phải nắm rõ thông tin về xe, kiểm tra cẩn thận, lái thử xe, mặc cả giá, và hết sức chú ý đến khâu giấy tờ.
Mua xe cũ sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí và được "lên đời" so với số tiền mà mình đang có. Tuy nhiên, nếu không có các mối quen biết hay có kinh nghiệm mua xe cũ sẽ thì khả năng mua phải "hàng dựng" sẽ khá cao. Bên cạnh việc nhờ sự hỗ trợ của những người sử dụng xe lâu năm, những người có kinh nghiệm mua xe cũ thì việc trang bị những kiến thức mua xe sẽ giúp tìm được một mẫu xe cũ phù hợp.
Hiện nay các cửa hàng mua - bán ô tô cũ mọc lên khá nhiều ở Hà Nội
Xác định khả năng tài chính
Bạn cần tính toán và xác định xem mình có thể bỏ ra bao nhiêu để mua một chiếc xe bao gồm cả đăng ký, bảo hiểm và đặc biệt là chi phí duy tu bảo dưỡng định kỳ, một khoản kha khá nếu đó là chiếc xe cũ. Điều này giúp bạn tránh khỏi việc “vung tay quá trán” để rồi mua xe về sau đó phải bán tháo vì không đủ khả năng “nuôi” xe.
Tìm hiểu thông tin về xe
Việc tìm hiểu thông tin về thị trường xe cũ trước khi mua rất quan trọng. Việc này giúp bạn hiểu thêm về mẫu xe bạn mua, giá cả và không bị hớ khi mua xe.
Tuy nhiên cũng nên cẩn thận với những chiếc xe có giá quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Có thể tình trạng của chiếc xe đó không còn tốt nữa, nên hãy kiểm tra thật cẩn thận trước khi quyết định. Nếu may mắn bạn sẽ có một chiếc xe tốt và dành dụm được một khoản kha khá.
Có thể tìm đến các trung tâm xe đã qua sử dụng chính hãng để yên tâm hơn về mẫu xe lựa chọn cùng chính sách bảo hành. Tuy nhiên giá bán tại đây chênh lệch cao.
Chọn xe theo nhu cầu
Tìm hiểu về chiếc xe dựa theo các tiêu chí như kiểu xe, hãng sản xuất, mẫu xe, năm sản xuất và giá cả để có được chiếc xe phù hợp với nhu cầu của bạn. Khi đã ưng ý chiếc xe nào đó, hãy tìm đọc những bài đánh giá của các chuyên gia về chiếc xe đó, bạn sẽ tìm thấy đầy đủ những đánh giá về ngoại thất, nội thất, khả năng vận hành, lượng tiêu thụ nhiên liệu và các yếu tố khác để giúp bạn có quyết định cuối cùng.
Thêm nữa là hãy cập nhật tin tức về những chiếc xe mới bởi có một quy luật bất thành văn là khi có một mẫu xe mới được ra mắt thì mẫu xe tiền nhiệm ắt sẽ giảm giá, hãy chọn thời điểm thích hợp.
Liên lạc với người bán xe
Đừng ngần ngại đặt ra những câu hỏi cho người bán như tuổi đời của chiếc xe, lý do bán xe, xe đã từng gặp tai nạn hay chưa, hiện trạng của chiếc xe ra sao, có mắc phải "bệnh" cố hữu nào không?
Xem và kiểm tra xe
Nếu bạn mua trực tiếp từ cá nhân nào đó, hãy đến tận nhà họ để xem xe, không nên hẹn ra một địa điểm khác để xem xe. Kiểm tra lại xem địa chỉ nhà có khớp với đăng ký xe hay không. Lưu những thông tin về chiếc xe được rao bán như tình trạng xe, số công tơ mét để kiểm tra lúc xem xe.
Hãy tự mình kiểm toàn bộ chiếc xe. Nếu không có kinh nghiệm trong chuyện này, hãy nhờ một người quen hiểu biết về máy móc đi cùng kiểm tra, an toàn hơn nữa là đưa xe ra trung tâm sửa chữa bảo dưỡng để việc kiểm tra chính xác hơn.
Lái thử xe
Bạn hãy nhớ rằng, việc mở nắp khoang động cơ lên chỉ có thể giúp bạn kiểm tra các loại nước làm mát và dầu. Việc kiểm tra động cơ có bị tác động, sửa chữa không nhất thiết phải do các nhân viên của hãng có đủ máy móc để loại trừ việc chiếc xe đã bị mở động cơ ra sửa chữa hay dính lỗi thủy kích. Việc khởi động máy và lắng nghe tiếng động cơ sẽ cho bạn biết những tiếng kêu khác lạ của kim loại, của các bộ phận bị rung chấn…
Ngoài ra, những kinh nghiệm đơn giản khi sử dụng hộp số sẽ cho bạn thấy sự trơn tru, các bước số di chuyển dễ dàng, không có tiếng động lạ hoặc đối với hộp số sàn, ly hợp hoạt động đúng cách (ngắt hết) giúp vào số nhẹ nhàng…
- Trước khi khởi động, hãy thử quay vô lăng hết cỡ sang hai bên để kiểm tra vô lăng có tiếng rít, va đập hay tiếng gõ không.
- Để kiểm tra phanh tay, hãy kéo phanh tay lên rồi thử nhấn nhẹ ga, nếu chiếc xe không di chuyển thì phanh tay vẫn hoạt động tốt.
- Lắng nghe xem có tiếng động lạ phát ra từ động cơ không. Không nên để người bán làm bạn phân tâm bằng cách nói chuyện hoặc mở đài radio.
- Thử lái xe trên nhiều kiểu địa hình.
- Sử dụng nhiều cấp số và chú ý xem việc vào số có dễ dàng hay không.
- Hãy chắc chắn rằng chân côn hoạt động tốt.
Ngã giá
Hãy cố gắng hạ giá bằng các lỗi mà bạn phát hiện ở chiếc xe. Hỏi về giá mà người bán muốn, sau đó hạ giá bán theo ý của bạn. Có thể người bán sẽ chấp nhận cái giá bạn đưa ra hoặc đưa ra mức giá khác gần mức bạn muốn.
Thanh toán và giấy tờ
- Làm các thủ tục thanh toán và giấy tờ theo thứ tự. Hãy nhớ giữ bản gốc của giấy đăng ký xe, chuyển nhượng, lịch sử bảo hành…
- Khi thanh toán hoặc đặt cọc, hãy giữ hóa đơn, biên nhận với đầy đủ chữ kí của người bán.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được điều này. Do vậy, nếu đi cùng một người bạn, người quen hiểu biết về xe, hoặc bản thân có những kiến thức cơ bản về xe, thì khi đứng trước một chiếc xe cũ, bạn cũng không có cảm giác "ngợp", hoang mang, lúng túng…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét